Hội nghị Tổng kết 03 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh

Sáng ngày 01/11/2019, Hội nghị Tổng kết 03 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh được diễn ra tại Ủy ban nhân dân Thành phố do Ông Nguyễn Thành Phong – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì.

Cùng tham dự Hội nghị, có sự hiện diện của Ông Huỳnh Thành Đạt – Ủy viên Ban chấp hành Trung Ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc Gia TPHCM, Ông Đặng Công Huẩn – Phó Tổng thanh tra Chính Phủ, Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Triệu Lệ Khánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Karlene Davis – Tổng lãnh sự kiêm Tham tán thương mại New Zealand tại Việt Nam, Ông Ngô Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cùng đại diện Lãnh đạo các Ủy ban nhân dân các tỉnh thành, đại diện Ban chỉ đạo Liên ngành Trung Ương về an toàn thực phẩm, các Hội, Đoàn trên địa bàn Thành phố, đại diện Ủy ban nhân dân 24 quận/huyện, các chợ đầu mối, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các cơ quan báo đài đến đưa tin.

blank

Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả 03 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị, Bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh (Ban Quản lý) đã báo cáo các kết quả hoạt động mà Ban Quản lý đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ sau gần 03 năm thí điểm. Trong đó, Ban Quản lý đặc biệt chú trọng 02 nhiệm vụ chính là Xây thực phẩm sạch – Chống thực phẩm bẩn.

Xây thực phẩm sạch luôn là nhiệm vụ được Ban Quản lý đặt lên hàng đầu, điều đó đã thể hiện trong 3 năm qua Ban Quản lý liên tiếp triển khai các Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn” và Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”. Tính đến nay, Ban Quản lý Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn” đã thẩm định, kiểm tra và cấp 432 Giấy chứng nhận cho 293 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi “chuỗi thực phẩm an toàn”. Bên cạnh đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm cũng xây dựng kế hoạch triển khai lấy mẫu giám sát định kỳ và đột xuất để phục vụ cho công tác quản lý. Kết quả là, số lượng mẫu lấy tăng và tỷ lệ mẫu không đạt giảm, tình hình cho thấy an toàn thực phẩm đã từng bước được cải thiện.

Song song với xây thực phẩm sạch, việc chống thực phẩm bẩn cũng được Ban tiến hành một cách tích cực thông qua thanh kiểm tra. Hiện Ban đã xây dựng được 10 đội quản lý an toàn thực phẩm gồm 2 đội quản lý 2 chợ đầu mối (Bình Điền và Hóc Môn) và 8 Đội quản lý ở 24 quận, huyện, đây là cánh tay nối dài của Ban Quản lý trong việc thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Kết quả từ tháng 3/2017 nhưng tập trung thanh tra nhiều nhất bắt đầu từ 3 tháng cuối năm 2017 và kéo dài cho đến nay, số lượng cơ sở được thanh kiểm tra tăng đồng thời số tiền xử phạt trung bình tăng so với trước và nằm ở mức cao so với mặt bằng chung cả nước, có thể đánh giá do tác động của Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cũng phần nào thể hiện sự nghiêm khắc trong thực thi pháp luật.

Ngoài ra, tình hình ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn trước khi thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm (2014-2016) và sau khi thành lập Ban (2017-2019) cho thấy số vụ ngộ độc trên địa bàn thành phố, trong trường học, trong Khu Chế xuất- Khu Công nghiệp và số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc có xu hướng giảm đồng thời không có trường hợp tử vong.

Các kết quả trên đã phần nào cho thấy tình hình mất an toàn thực phẩm đã được cải thiện rõ rệt, đây là kết quả của việc tăng cường phòng ngừa ngộ độc thực phẩm thông qua việc thực hiện đồng bộ các hoạt động nâng cao nhận thức, hoàn thiện quy trình, tăng cường thanh kiểm tra, thống nhất trong xử lý thông tin và đồng bộ trong phối hợp giữa các sở ngành.

blank

Bà Triệu Lệ Khánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM phát biểu

Bà Triệu Lệ Khánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM cho biết công tác an toàn thực phẩm không chỉ là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị mà phải có sự chung tay của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và của mỗi người dân. Bà đề nghị tiếp tục đẩy mạnh phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc với Ban Quản lý về công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người dân và các cấp quản lý; nghiêm túc thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giữa UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt, chặt chẽ hơn trong công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

blank

Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố khẳng định: “Việc thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM là một chủ trương rất đúng đắn và phù hợp. Từ thực tiễn thí điểm của TPHCM có thể khẳng định, mô hình này thật sự có hiệu quả. Thứ nhất là giải quyết hạn chế về cơ chế phối hợp giữa các sở ngành và các đầu mối chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác an toàn thực phẩm. Thứ hai là công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được quan tâm nhiều hơn. Vị trí và vai trò của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được nâng cao hơn. Thứ ba phát huy được sức mạnh khi tập hợp thực lượng, thống nhất đầu mối trong xử lý công việc. Thứ tư hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an toàn thực phẩm được nâng cao thông qua sự sáng tạo trong sự vận dụng mô hình Đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện và chợ đầu mối”.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả bước đầu qua 3 năm thí điểm, Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ đề xuất Chính phủ cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn của UBND thành phố – có chức năng tham mưu cho UBND thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn; Cho phép thành phố thành lập mạng lưới các Đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện chợ đầu mối trực thuộc Sở An toàn thực phẩm có chức năng tham mưu tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giám sát an toàn thực phẩm, thanh kiểm tra xử lý vi phạm.

Khép lại Chương trình Hội nghị, Lãnh đạo UBND thành phố đã trao tặng bằng khen cho 19 tập thể và 22 các nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nhằm khuyến khích, động viên tinh thần làm việc các đơn vị phối hợp cũng như đội ngũ cán bộ công chức, viên chức Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM trong thời gian qua.

blank

Tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố

blank

Cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý an toàn thực phẩm nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành phố

Thanh Trúc – P.TT, GD, TT

Một số hình ảnh tại Hội nghị

blank

Ông Trần Ngọc Hổ – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tham luận

blank

Bà Trần Nguyên Thục – Trưởng phòng Chính trị tư trưởng – Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tham luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *