Sẽ lập bản đồ số về an toàn thực phẩm

Lập bản đồ số về an toàn thực phẩm (ATTP) giúp người dân có cái nhìn trực quan về tình hình ATTP ở nơi mình đang sống, trong khi cơ quan quản lý sẽ đưa ra những giải pháp ứng phó phù hợp với mô hình ATTP ở từng địa phương.

blank
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bản đồ số về an toàn thực phẩm giúp người dân có cái nhìn trực quan về tình hình ATTP ở nơi mình đang sống. Ảnh: VGP

Yêu cầu này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP (Ban Chỉ đạo) nêu lên tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo, sáng 13/12.

Báo cáo của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cho biết tính đến hết tháng 10/2019, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 20 vụ) với 1.950 người mắc (giảm 717 người), 1.874 người đi viện (giảm 464 người) và 8 trường hợp tử vong (giảm 7 trường hợp.

Các bộ ngành, địa phương đã thành lập 21.811 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 427.842 cơ sở, phát hiện trên 65.000 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 12.000 cơ sở với tổng số tiền 43 tỷ đồng. Ngoài ra, các đoàn thanh tra, kiểm tra đình chỉ lưu hành 169 sản phẩm, tiêu huỷ sản phẩm của gần 3.000 cơ sở.

Các bộ ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành. Bộ Y tế đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 49 cơ sở, chuyển cơ quan điều tra 17 vụ việc có dấu hiện sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra, xử lý 5.649 vụ việc về vi phạm ATTP, phạt tiền 14,6 tỷ đồng, thu giữ tang vật trị giá 20,7 tỷ đồng; xử lý 2.179 vụ vi phạm về thương mại điện tử kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, xử phạt 16,6 tỷ đồng, thu giữ 40,5 tỷ đồng giá trị hàng vi phạm…

Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện 7.410 vụ việc về ATTP, vi phạm pháp luật có hàng hoá là thực phẩm (tăng 1.234 vụ); khởi tố 140 vụ, phạt hành chính 43,7 tỷ đồng (tăng 13,8 tỷ đồng).

Qua 10 tháng của năm 2019, các cơ sở kiểm nghiệm về ATTP đã kiểm tra trên 30.000 mẫu, tỷ lệ mẫu không đạt khoảng 6,6%.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 1.492 chuỗi (tăng 396 chuỗi so với năm 2018); 2.381 sản phẩm (tăng 955 sản phẩm) và 3.267 điểm bán (tăng 93 điểm).

Việc triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 9 tỉnh, thành phố tiếp tục được đẩy mạnh, đã có 4.387 cán bộ cấp huyện, xã được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ. Một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh đang tổng kết mô hình thanh tra chuyên ngành ATTP, xây dựng các tuyến phố ATTP…

Đáng chú ý, công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, kết hợp giữa tuyên truyền, hướng dẫn với răn đe đã tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Hàng trăm nghìn tin, bài về ATTP đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng các chuyên đề về ATTP. Hàng triệu ngươi tham gia các hội thảo, tập huấn, truyền thông trực tiếp về ATTP do các bộ ngành, hội nông dân, hội phụ nữ tổ chức.

blank
Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá hiện trạng nhập lậu thực phẩm vào Việt Nam; sử dụng chất cấm trong thức ăn gia súc, thuỷ sản tiêu thụ trong nước; việc thay đổi thói quen ATTP ở chợ, lò mổ; quảng cáo thực phẩm chức năng, bán hàng đa cấp; công nhận các trung tâm kiểm nghiệm ATTP…

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết những chất cấm “nóng vào các năm trước” như Sabutamol, Clebuterol đã không phát hiện mẫu nào. Tỷ lệ dư lượng kháng sinh trên mẫu thuỷ sản được kiểm nghiệm giảm còn khoảng 1,2% so với 3-4% trước đây. Bộ NN&PTNT vẫn tăng cường kinh phí giám sát mẫu đối với những sản phẩm có rủi ro cao.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận đối với nông, thuỷ sản xuất khẩu việc sử dụng chất cấm, kháng sinh được kiểm soát rất chặt, đặc biệt ở các doanh nghiệp lớn. Nhưng đối với hộ nuôi trồng nhỏ lẻ, tiêu dùng trong nước vẫn có tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh không rõ nguồn gốc, không có tên. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Bộ NN&PTNT choằng phải dựa vào xây dựng chuỗi nông sản an toàn, hoạt động tuyên truyền, tập huấn của hội nông dân, hội phụ nữ, chính quyền cơ sở.

“Các đồng chí phải đi trực tiếp, lấy mẫu chất cấm, kháng sinh không rõ nguòn gốc mà người dân đang sử dụng về kiểm nghiệm, xác định rõ, có biện pháp ngăn chặn ngay từ nguồn cung”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đánh giá cao việc cả ba bộ Y tế, NN&PTNT, Công Thương không để có hồ sơ tồn đọng trong xem xét, công nhận các trung tâm kiểm nghiệm ATTP, Phó Thủ tướng tiếp tục lưu ý ngoài công bố danh mục trên website, cần tích hợp địa chỉ các trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm trên bản đồ số Việt Nam (Vmap).

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ Công Thương, NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện hệ thống thông tin về ATTP. Hiện nay, mới chỉ có Bộ Y tế hoàn thiện và thực hiện thí điểm để nắm thông tin về ATTP từ cấp xã, phường đến huyện, tỉnh, trung ương theo thời gian thực.

“Đối với người dân, vấn đề ATTP không nằm ở những con số báo cáo mà cần những hình ảnh trực quan, sinh động. Đơn cử, chúng ta đã làm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn làm khắp nơi, nhiều trang trại sạch, cơ sở giết mổ đạt chuẩn hoàn toàn có thể kết hợp với nền tảng bản đồ số Việt Nam (Vmap) để khi tra vào một làng, xã nào thì sẽ xuất hiện địa chỉ những gia đình, cơ sở bảo đảm ATTP, từ đó tạo phong trào thi đua giữa các hộ dân để đạt chứng nhận ATTP”, Phó Thủ tướng gợi ý.

Một số thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng vấn đề quảng cáo, kinh doanh thực phẩm chức năng vi phạm các quy định pháp luật, phản cảm đang gây bức xúc trong xã hội và cần có những cảnh báo mạnh mẽ, trực tiếp hơn nữa đến người tiêu dùng.

Việc ngăn ngừa thực phẩm nhập lậu, thực phẩm giả trên các tuyến biên giới, qua đường tiểu ngạch, lối mở còn khó khăn, phức tạp.

Hoạt động kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không bảo đảm ATTP vẫn hết sức khó khăn.

blank
Ảnh: VGP/Đình Nam

Trong năm 2020, Ban Chỉ đạo sẽ hoàn thiện việc đánh giá tác động của Luật ATTP để định hướng việc sửa đổi Luật (nếu cần) theo hướng khắc phục chồng chéo, giảm bớt trung gian, tránh tư tưởng thiếu chủ động, tăng mạnh phân cấp cho địa phương. Trung ương tập trung ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các nguyên tắc, quy định còn địa phương trực tiếp quản lý, thanh kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm ATTP.

Hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn cần được thúc đảy mạnh mẽ, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, hướng tới việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như thực phẩm xuất khẩu đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước, trước hết là tại các đô thị lớn.

Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về ATTP, các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn chú trọng đến đối tượng là hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và đoàn thể các cấp trong vận động, giám sát thực hiện ATTP.

Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về ATTP, trước hết là trong nội bộ các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tạo công cụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ cộng đồng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Các lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, giám sát, ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu, nhất là tại các địa bàn, tuyến trọng điểm. Triển khai và đánh giá mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, xã, phường.

NGuồn: Đình Nam

http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Se-lap-ban-do-so-ve-an-toan-thuc-pham/382476.vgp

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *